Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Ba, 22 tháng 12, 2015

Vùng đất lừng danh với 11 vị tướng tài ba

Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng 11 vị tướng sinh ra ở vùng đất "địa linh nhân kiệt" Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) lừng danh chiến công vẫn được người dân nhắc đến như mới hôm qua.
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) có 11 vị tướng tài lập nhiều chiến công góp phần to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.  
Vùng đất lừng danh với 11 vị tướng tài ba
Vùng đất "địa linh, nhân kiệt " huyện Sơn Tịnh(Quảng Ngãi). Ảnh: Minh Hoàng.
Khi thực dân Pháp bắt đầu xâm lược Việt Nam, huyện Sơn Tịnh đã cống hiến cho đất nước một thủ lĩnh nghĩa binh chống Pháp nổi tiếng đất Nam Kỳ, đó là tướng quân Trương Công Định (quê Tịnh Khê). Ông lãnh đạo nhân dân Gò Công (Tiền Giang) chống giặc, được nhân dân phong làm “Bình Tây Đại nguyên soái Trung thiên tướng quân”.
Theo mạch nguồn lịch sử, Tướng Nguyễn Chánh (xã Tịnh Hà), Trung tướng Nguyễn Đôn (xã Tịnh Bình), Trung tướng Phạm Kiệt (xã Tịnh Minh) là những “thủ lĩnh” của đội du kích Ba Tơ - một trong những lực lượng tiền thân của lực lượng vũ trang Liên khu V.
'Bách chiến, bách thắng' chiến trường Tây Nguyên
Tướng Nguyễn Chánh (sinh năm 1914, quê xã Tịnh Hà) vào Đảng cộng sản Đông Dương năm 17 tuổi.  Ông từng là Bí thư liên tỉnh Nghĩa - Bình - Phú (Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên).
Tướng Nguyễn Chánh (thứ hai từ trái sang) chụp ảnh cùng các thủ lĩnh đội du kích Ba Tơ. Ảnh: Tư liệu.
Tướng Nguyễn Chánh (thứ hai từ trái sang) chụp ảnh cùng các thủ lĩnh đội du kích Ba Tơ. Ảnh: Tư liệu.
Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, trên cương vị Chính ủy kiêm Tư lệnh Liên Khu V, Tư lệnh chiến dịch Bắc Tây Nguyên, Tướng Nguyễn Chánh đã trực tiếp chỉ huy chiến dịch giành được thắng lợi to lớn. Với chiến  thắng Măng Đen (28/1/1954)- mắt xích số một trong hệ thống phòng thủ phía Đông Kon Tum bị bẻ gẫy, quân ta đã chọc thủng một mảng phòng ngự lớn của địch. Cánh cửa vào Bắc Tây Nguyên đã mở. Từ thắng lợi này, bộ đội ta tiếp tục tấn công tiêu diệt toàn bộ quân địch từ Đăk Tô đến Đăk Glây, Kon Tum.
Tiếp đó dưới sự chỉ huy của tướng Chánh, bộ đội ta phát triển xuống phía Nam, đánh địch trên đường chiến lược 19, thắng trận An Khê, tiêu diệt hoàn toàn Binh đoàn cơ động 100 của Pháp, (Binh đoàn tinh nhuệ bậc nhất của quân viễn chinh Pháp mới rút từ Triều Tiên về), phá tan cuộc hành binh Atlante của tướng Henri Navarre. Chiến thắng này đã góp phần chia lửa với chiến trường Điện Biên và là một trong những yếu tố quyết định buộc Pháp phải đầu hàng trong chiến tranh Đông Dương.
Sau Hiệp định Genève 1954, có một viên tướng người Pháp tên là De Beaufort nhờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho ông ta gặp bằng được người chỉ huy đánh bại chiến dịch Atlante trên chiến trường Tây Nguyên năm 1953-1954. Tướng Giáp đã đồng ý và sắp xếp một cuộc gặp riêng giữa tướng De Beafort và Nguyễn Chánh. Viên tướng bại trận người Pháp đã không tin rằng ngồi trước mặt mình một con người hết sức bình dị lại là  “một vị tướng đã làm cho tôi điêu đứng trên chiến trường”- như hồi ký sau này ông ta thuật lại.
Tướng Nguyễn Chánh đã có công to lớn vào thắng lợi của chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, giải phóng Kon Tum tháng 2/1954, kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên chiến trường Tây Nguyên..
Vùng đất lừng danh với 11 vị tướng tài ba
Trung tướng Nguyễn Đôn (trái) trong ngày hội ngộ cùng đồng đội du kích Ba Tơ. Ảnh: Minh Hoàng.
Vị tướng lừng danh khởi nghĩa Ba Tơ
Chiến đấu bên cạnh tướng Nguyễn Chánh ở đội du kích Ba Tơ, Trung tướng Nguyễn Đôn lúc 24 tuổi đã sáng tạo in tài liệu kêu gọi, vận động nhân dân. Ông thấy được sức mạnh đoàn kết của toàn dân, ông lặn lội lên núi Cao Muôn cắt máu ăn thề với già làng người Thượng. Ông thuyết phục đồng bào nơi đây ủng hộ Việt Minh, xây dựng Ba Tơ thành khu căn cứ của đội du kích vững mạnh vùng phía Tây Quảng Ngãi.
Cùng với Trung tướng Phạm Kiệt, ông Đôn đã trực tiếp vào đồn Tây ở Ba Tơ để thuyết phục đám lính khố xanh cùng quan tư Pháp hạ vũ khí, giao đồn cho cách mạng ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp đêm 9/3/1945. Ông Đôn thuyết phục lãnh đạo Tỉnh ủy bấy giờ đưa ngay đội du kích về đồng bằng, phát triển nhanh lực lượng vũ trang để tiến tới tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, đưa Quảng Ngãi trở thành địa phương đầu tiên ở miền Trung giành chính quyền sớm nhất từ tay phát xít Nhật.
Người đề nghị 'đánh chắc, tiến chắc' ở Điện Biên Phủ
Cùng thủ lĩnh đội quân du kích Ba Tơ với ông Đôn, Trung tướng Phạm Kiệt ( quê xã Tịnh Minh) được kết nạp vào Đảng khi vừa tròn 21 tuổi. Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, tại vùng tuyến lửa Vĩnh Linh (Quảng Trị), tướng Kiệt là người đề xuất xây dựng địa đạo Vĩnh Mốc (Quảng Trị) nổi tiếng. Cũng chính ông là người đề nghị thay đổi phương châm tác chiến "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc" góp phần giành thắng lợi hoàn toàn trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Cảm nhận về ông Kiệt, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng viết trong thư: “Tôi đánh giá rất cao ý kiến của anh Phạm Kiệt, ý kiến ấy cùng với những tin tức trinh sát từ nhiều mặt gửi về đã cung cấp cho tôi căn cứ quan trọng để đề ra với Đảng ủy thay đổi phương châm tác chiến, rút quân ra, chuyển sang kế hoạch mới “đánh chắc, tiến chắc”.  Tôi càng thấy rõ anh Kiệt là một cán bộ có trình độ chính trị và quân sự, có tinh thần kiên định, lại có bản lĩnh vì nghĩa lớn, nói lên sự thật không chút ngần ngại. Anh đã để lại cho chúng ta một tấm gương về đức tính, về bản lĩnh của người đảng viên cộng sản”.
Vùng đất lừng danh với 11 vị tướng tài ba
Tướng Phạm Kiệt (bìa phải) kiểm tra xưởng quân giới. Ảnh: Tư liệu.
Người khai mở đường Trường Sơn 
Nếu như trong kháng chiến chống Pháp, Trung tướng Nguyễn Đôn và Phạm Kiệt lập nhiều chiến công vang dội thì trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thiếu tướng Võ Bẩm (quê xã Tịnh Khê) đóng góp to lớn vào tuyến đường vận tải quân sự Trường Sơn huyền thoại - đường Hồ Chí Minh.
Bước ngoặt lớn nhất trong đời binh nghiệp của ông Bẩm là vào ngày 5/5/1959, khi Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất Trung ương giao nhiệm vụ cho ông thành lập “Đoàn công tác quân sự đặc biệt”. Đó là mở đường giao thông đặc biệt từ Bắc vào Nam, trong  thời gian ngắn, bí mật và an toàn nhất để vận chuyển vũ khí, hàng hóa nhu yếu phẩm vào chiến trường miền Nam…
Vùng đất lừng danh với 11 vị tướng tài ba
Thiếu tướng Võ Bẩm. Ảnh: Tư liệu.
Trong hoàn cảnh khắc nghiệt của núi rừng Trường Sơn, Đoàn 559 đã lập nên nhiều kỳ tích. Suốt gần hai năm đầu, mọi việc vận chuyển đều được thực hiện bằng sức người. Mỗi chiến sĩ phải cõng khoảng 30kg trên lưng, trèo lên núi cao, vượt qua ghềnh thác.
Để đẩy nhanh tiến độ vận chuyển, ông đề nghị phương án mượn đường của nước bạn Lào để mở con đường vận chuyện cơ giới. Sau một năm thành lập, hàng trăm nghìn tấn hàng hóa bao gồm súng ống, đạn dược, lương thực, thuốc men đã được vận chuyển qua dãy Trường Sơn, đi sâu vào Nam, đảm bảo chi viện kịp thời cho tiền tuyến. Đường Trường Sơn đã trở thành con đường chiến lược, góp phần dẫn đến chiến thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ông cũng là người đầu tiên thí điểm mô hình vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, khởi nguồn của con đường Hồ Chí Minh trên biển về sau.
Vùng đất lừng danh với 11 vị tướng tài ba
Thượng tướng Trần Văn Trà bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh : Tư liệu.
Tư lệnh giải phóng miền Nam
Thượng tướng Trần Văn Trà (sinh năm 1919, quê xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh), 19 tuổi ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, với những cương vị khác nhau, ông đã góp phần lãnh đạo quân và dân miền Đông Nam Bộ xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, xây căn cứ kháng chiến mở các chiến dịch để phối hợp với chiến trường toàn quốc, giành nhiều thắng lợi trong các trận đánh lớn…
11 vị tướng kháng chiến của Sơn Tịnh
Mười một vị tướng sinh ra ở vùng đất Sơn Tịnh trong 30 năm chiến tranh giải phóng  gồm:
1- Tướng Nguyễn Chánh, (xã Tịnh Hà)
2- Thượng tướng Trần Văn Trà (xã Tịnh Long)
3 - Trung tướng Trần Quý Hai (xã Tịnh Châu)
4 - Trung tướng Phạm Kiệt (xã Tịnh Minh)
5 - Trung tướng Võ Thứ (xã Tịnh Hà)
6 - Trung tướng Nguyễn Đôn (xã Tịnh Bình)
7 - Thiếu tướng Võ Bẩm (xã Tịnh Hà)
8 - Thiếu tướng Huỳnh Kim (xã Tịnh Minh)
9 - Thiếu tướng Châu Khải Định (xã Tịnh Hà)
10 - Thiếu tướng Lê Trung Ngôn (xã Tịnh Ấn)
11 - Thiếu tướng Phạm Quang Tiệp (xã Tịnh Sơn).
Sau ngày kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp (7/1954), ông tập kết ra Bắc và được bổ nhiệm làm Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, kiêm giám đốc Học viện Chính trị và Toà án Quân sự Trung ương. Năm 1959 ông được đề bạt cấp Trung tướng.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam ngày càng mở rộng, năm 1963, ông được Trung ương cử về Nam đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, Phó bí thư Quân uỷ Miền. Với tài thao lược quân sự, ông đã góp phần chỉ đạo chỉ huy làm nên những trận thắng vang dội như Đất Cuốc, Đồng Xoài, Phước Long, chiến dịch Bình Giã, Mậu Thân, Nguyễn Huệ…

Năm 1973, Hiệp định Paris Việt Nam được ký kết, Trung tướng Trần Văn Trà được cử làm trưởng đoàn đại diện Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, kiểm soát thi hành hiệp định do 4 bên tham chiến. Năm 1974, ông được đề bạt quân hàm thượng tướng.

Mùa Xuân 1975, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn-Gia Định và cả miền Nam. Với cương vị Phó Tư lệnh chiến dịch, ông đã góp phần lãnh đạo cuộc tiến công nổi dậy ở B2, hoàn thành thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài 21 năm.

Một trong những huyện có nhiều vị tướng 

Trao đổi với Zing.vn, ông Lê Hồng Khánh, Nhà Nghiên cứu văn hóa Quảng Ngãi cho biết, quê hương Sơn Tịnh từ lâu nổi danh là vùng đất “địa linh nhân kiệt” sản sinh nhiều vị tướng tài cống hiến nhiều chiến công vang dội trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Vượt qua gian nan thử thách, họ được rèn luyện trong bối cảnh lịch sử khắc nghiệt thành người có ý chí, mưu lược, tài ba.
" Đến thời điểm năm 1975, huyện Sơn Tịnh là một trong những quê hương có số lượng tướng nhiều nhất nước. Vùng đất sinh ra nhiều vị tướng ở vùng quê này là hiện tượng “đặc biệt” của Quảng Ngãi góp phần to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc", ông Khánh nói. 
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử Quảng Ngãi, huyện Sơn Tịnh từ lâu được mệnh danh là vùng "đất tướng". Bởi lẽ địa phương này có bề dày lịch sử văn hóa, cách mạng. Người Sơn Tịnh có truyền thống yêu nước nồng nàn, đánh giặc ngoại xâm kiên cường, thông minh, sáng tạo. Nhiều cá nhân nổi trội trong các phong trào đấu tranh cách mạng, trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của đất nước. Tất cả những nhân tố này là cội nguồn hình thành nên miền "đất tướng" Sơn Tịnh lừng danh chiến công góp phần to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. 
Nguồn: http://news.zing.vn/Vung-dat-lung-danh-voi-11-vi-tuong-tai-ba-post611890.html

3 nhận xét:

Đề nghị mọi người dùng tiếng Việt có dấu để nhận xét. Gõ telex tiếng Việt TẠI ĐÂY. Nhận xét xong xin không dùng Nặc danh mà nên điền danh tính vào Tên/URL (nếu ko dùng danh khoản). Xin chân thành cảm ơn!